Tuổi trẻ Ung_Chính

Thanh Thế Tông Ung Chính tên húy là Dận Chân (chữ Mãn:ᡳᠨ ᠵᡝᠨ, chữ Hán: 胤禛, bính âm: In Jen), sinh vào giờ Dần ngày 30 tháng 10 (âm lịch) năm Khang Hi thứ 17 (1678) ở Vĩnh Hòa cung trong Tử Cấm Thành, Bắc Kinh. Ông là con trai thứ 4 trong số những người con trưởng thành của Thanh Thánh Tổ Khang Hi Hoàng đế. Mẹ là Hiếu Cung Nhân hoàng hậu Ô Nhã thị, thuộc Tương Hoàng kỳ Mãn Châu. Bấy giờ, Hiếu Cung Hoàng hậu chỉ là cung nhân, xuất thân lại rất thấp (Bao y), theo quy chế không được tự nuôi con, vì vậy Dận Chân vừa đầy tháng đã được đưa đến cho Hiếu Ý Nhân hoàng hậu Đông Giai thị chăm sóc. Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu vốn là con gái của Nhất đẳng công Đông Quốc Duy, chất nữ của Hiếu Khang Chương Hoàng hậu, từng sinh một Hoàng nữ nhưng không may mất sớm.

Năm Khang Hi thứ 22 (1683), Dận Chân khi đó 6 tuổi, được chỉ đến Thượng Thư phòng đọc sách. Sư phó của Dận Chân là Trương Anh cho học Tứ thư, Ngũ kinh, lại cho Từ Nguyên Mộng giảng dạy Mãn văn. Quan hệ mật thiết với Dận Chân nhất là Cố Bát Đại (顾八代), Dận Chân nhận xét ông "Phẩm hạnh đoan chính, học thuật thuần chính". Suốt thời thiếu niên và thanh niên của Dận Chân nhận được sự quản giáo nghiêm khắc từ Phụ hoàng và Sư phó. Khang Hi Đế cho rằng việc chỉ nuôi nấng các Hoàng tử trong Hoàng cung sẽ tạo sai lầm, do đó ông đã cho các Hoàng tử, kể cả Tứ a ca Dận Chân, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, và ban ra một hệ thống giáo dục nghiêm khắc cho các Hoàng tử. Mãi khi sau này lên ngôi, Dận Chân thường kể lại việc Khang Hi Đế nuôi dạy ông rất chu đáo. Khang Hi Đế quý mến Dận Chân vì biết giữ lễ nghĩa, giỏi chữ Hán, chữ Mãn, hiểu rộng kinh sử và thơ ca. Nhưng Hoàng đế không hài lòng với tính hấp tấp và tâm trạng không ổn định của Dận Chân. Khang Hi từng đánh giá Dận Chân lúc nhỏ là "Hỉ nộ bất định", thường bảo Dận Chân "chớ nóng vội và nên kiên nhẫn", nên sau này Ung Chính treo một tấm biển đề câu này trong phòng riêng để tự răn mình không được quên.[2]

Hoàng tử Dận Chân đã cùng cha mình vi hành nhiều lần ở các vùng, tỉnh xung quanh kinh thành Bắc Kinh, cũng như về phía Nam xa xôi. Khi trưởng thành, ông được cử làm Chủ soái của Chính Hồng kỳ trong suốt cuộc chiến tranh lần thứ 2 giữa Đại Thanh với Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ.

Năm Khang Hi thứ 35 (1696), Dận Chân theo Khang Hi chinh phạt Cát Nhĩ Đan, chưởng quản Chính Hồng kỳ đại doanh [3]. Chiến dịch lần này Dận Chân không trực tiếp tham gia, nhưng ông rất quan tâm đến trận chiến. Dận Chân còn làm "Lan cư tư sơn đại duyệt" cùng "Công thành hồi loan cung tụng nhị thủ" [4] để tán dương thành tựu dụng binh của Phụ hoàng. Không những vậy, Dận Chân còn tới Tuân Hóa tạm an phụng điện tế tự Hiếu Trang Văn Hoàng hậu.

Năm Khang Hi thứ 37 (1698), Tứ a ca Dận Chân được phong tước vị [Đa La Bối lặc; 多羅貝勒]. Năm thứ 39 (1699), năm 23 tuổi, Dận Chân theo Khang Hi thị sát Vĩnh Định Hà, kiểm nghiệm chất lượng công trình. Năm 25 tuổi, Dận Chân thị tòng Phụ hoàng tuần du Ngũ Đài Sơn. 1 năm sau lại thị tòng nam tuần Giang Chiết.

Năm Khang Hi thứ 43 (1704), sông Dương Tử và sông Hoàng Hà gây ra một trong những trận lũ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Kinh tế và đời sống của nhân dân xung quanh các vùng này bị đe dọa nghiêm trọng. Dận Chân được Khang Hi cử đến với tư cách là khâm sai đại thần của Hoàng đế cùng với Hoàng thập tam tử là Dận Tường để giúp đỡ các nạn dân vùng phía Nam Trung Quốc. Quốc khố lúc này đang cạn kiệt do các khoản nợ không trả từ các quan lại và quý tộc, do đó triều đình không đủ tiền để đối phó với nạn lũ. Dận Chân đã phải thực hiện chính sách thu gom ngân quỹ từ các thương gia giàu có ở phương Nam. Những nỗ lực này của ông bảo đảm tiền cứu tế được phân bố và các nạn dân không bị đói.

Năm Khang Hi thứ 46 (1708), Khang Hi Đế ban Viên Minh Viên cho Dận Chân. Tháng 11, Dận Chân cung thỉnh Phụ hoàng đến Viên Minh Viên dự yến tiệc. Từ 1707 đến 1722, Khang Hi Đế đến Viên Minh Viên tổng cộng 12 lần.

Liên quan